TIN TỨC> CHÊNH VÊNH ĐỜI THỢ KHOAN CẮT BÊ TÔNG
16/4/2019 - Xem: 3392
 

ôi vốn không có thiện cảm với những người làm nghề khoan cắt bê tông bởi thường xuyên phải chứng kiến những bức tường đẹp đẽ bị bôi bẩn bởi những dòng quảng cáo khoan cắt bê tông. Thế nhưng, khi chứng kiến họ “khai tử” một ngôi nhà cũ, tôi mới nhận ra rằng đằng sau những dòng chữ ấy là một công việc đầy nhọc nhằn.

Và cuộc sống của những người thợ “phá” - họ tự gọi mình như thế - cũng chông chênh như chính công việc của họ vậy.

Khoan cắt bê tông (KCBT) được hình thành từ bao giờ, không người nào biết chính xác. Chỉ biết rằng, nó ra đời cùng với quá trình phát triển đô thị hoá khi nhu cầu cải tạo các công trình kiến trúc hay phá bỏ các ngôi nhà lụp xụp, cũ kỹ để thay bằng những ngôi nhà mới, khang trang ngày càng nhiều. Nghề KCBT tuy nặng nhọc, môi trường độc hại và tai nạn luôn rình rập, song lại là nghề đem thu nhập tương đối cao cho những người nông dân khi quyết định thoát ly đồng ruộng mà chỉ có sức khoẻ “làm vốn”.

Bên bức tường phá dở trên một công trường xây dựng khách sạn tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, anh Minh một thợ KCBT quê ở Khoái Châu (Hưng Yên) đang cặm cụi làm việc. Mặc dù trời nắng hanh, bụi tung mù mịt nhưng anh vẫn để đầu trần, không khẩu trang, chiếc áo cũ thô sờn được phủ trắng lớp bụi. Trên tay anh là chiếc máy khoan đầu lắp mũi đục to như cái xà beng dài hơn hai gang tay, trọng lượng dễ đến gần một nửa cơ thể được anh dùng hết sức dũi vào lớp tường dày hàng chục phân. Thấy tôi, anh ngừng lại giây lát, đưa tay phủi lớp bụi bê tông trắng xoá trên tóc bảo: “Chú ra ngoài kia đợi tôi một lát, tôi đang dở chỗ này. Đứng đây bụi lắm”. Dứt lời, anh lại miệt mài đưa chiếc máy lên mảng tường đang phá trong tiếng gầm rú của động cơ trộn với tiếng va đập chát chúa. Nhìn anh, tôi có cảm giác như tất cả các khớp xương, thớ thịt trên cơ thể đang long ra theo nhịp rung bần bật của chiếc máy.

Ra tiếp chuyện tôi, anh vơ ngay cái điếu cày nhồi thuốc, châm lửa rít, nhả khói vào khoảng không rồi bê bình nước đánh một hơi. Sau đó, anh mới quay sang bảo: “Bọn tôi có gì nhiều chuyện đâu mà kể, đơn giản người ta thì xây còn chúng tôi thì phá…”. Nói thế nhưng rồi, anh vẫn kể về cái nghề đã gắn bó với anh gần 5 năm nay. Anh bảo: “Nghề này tuy vất vả, nhưng là hũ gạo, là miếng cơm, manh áo của vợ, của con tôi. Ai gọi là chúng tôi phải lao vào mà làm, vì có phải lúc nào cũng sẵn việc đâu, bọn tôi tranh thủ những tháng cuối năm, người ta sửa chữa nhà cửa nhiều, cố kiếm cho vợ, cho con cái Tết tử tế”.

Lời kể nhát gừng của anh Minh với tôi bị ngắt quãng bởi tiếng va đập của chiếc máy khoan rơi xuống đất do một người trong đội thợ sơ sẩy làm rơi. Anh này do cố với theo chiếc máy nên chân tay loạng choạng thế nào lại va vào giàn giáo khiến máu từ chỗ vết thương trên tay rỉ ra. Anh Minh ngừng câu chuyện véo mẩu thuốc lào đưa cho anh kia và bảo: “Bịt vào!” rồi lại quay về câu chuyện dang dở với tôi: “Cái nghề này nó thế đấy, suốt ngày tiếp xúc với sắt thép, bê tông, chuyện chảy máu như thế nhằm nhò gì. Làm nghề này nguy hiểm, bởi luôn phải thao tác trên cao, đối mặt với tường đổ, cột rơi. Đã không ít người trượt chân, ngã giáo dẫn đến gãy chân, gãy tay và trở thành gánh nặng cho gia đình, nhưng vì cuộc sống mà, tôi vẫn phải đeo đuổi cái nghề cho là bạc này”.

Nhìn người thợ đang đứng chênh vênh, tay cầm chiếc máy khoan để đục từng tảng bê tông, phá những bức tường, đôi chân cố bám trụ vào bức tường như đang lung lay, chờ đổ ụp xuống cũng đủ khiến tôi lạnh gáy. Chỉ cần một sơ sẩy nhỏ cũng có thể dẫn đến tai nạn xảy ra.

Nghề “bán sức”

Trong đội của anh Minh còn có Huỳnh, người cùng làng. Huỳnh vừa bước sang tuổi 17 cuối tháng 10 vừa rồi, cái tuổi mà bao bạn bè vẫn đang mải mê với sách vở với bao hoài bão, dự định cho tương lai. Còn em lại đang có mặt ở đây, “bán sức”, đối mặt với bao nguy hiểm để kiếm tiền gửi về phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Chia sẻ với tôi Huỳnh kể: Hoàn cảnh gia đình em khó khăn, bố mẹ bệnh yếu, nhà lại đông anh em, trông vào hơn sào ruộng không đủ ăn. Là con lớn, học hết lớp 9, cực chẳng đã Huỳnh theo anh Minh đi làm nghề đập phá, vừa nặng nhọc, bụi bặm, vừa nguy hiểm này được gần 2 năm rồi. Ở cái tuổi này, Huỳnh ăn rất khoẻ, mỗi bữa đều 4 đến 5 bát cơm, do vậy thân hình Huỳnh trông khá lực lưỡng, cầm chiếc khoan hàng chục cân trên tay đưa lên, đưa xuống mà cứ nhẹ như không. Huỳnh bảo: “Không riêng làm KCBT, cứ việc nào nặng nhọc, khó khăn người ta bỏ thì em nhận, kén chọn không làm thì chết đói anh à”.


Nghề này chẳng có trường lớp nào đào tạo, chỉ có nghề dạy nghề, mỗi đội thợ KCBT thường chỉ có năm đến bảy người làm chung, thường là cùng làng, cùng xóm. Trong đội, có người đứng cai, bỏ ra một khoản tiền để đầu tư thiết bị, đồng thời vừa giao dịch nhận việc vừa điều hành công việc và cũng trực tiếp tham gia lao động cùng anh em. Gặp công trình cần nhiều nhân công thì huy động thêm từ các đội thợ KCBT khác. Thu nhập của một thợ KCBT bình quân khoảng 200.000 đồng/ngày, cũng có khi nhận được mối tốt thì ngày công cao hơn. Thế nhưng, nhiều khi thợ khoan cắt bê tông cũng phải chơi dài, nhất là vào mùa mưa.

Ngoài sự cực nhọc, những nguy hiểm luôn rình rập, việc hít bụi từ các vật liệu vừa phá dỡ là một mối nguy hiểm mà thợ KCBT phải hứng chịu. Do đặc thù công việc, người thợ KCBT phải liên tục làm việc trong môi trường độc hại như vậy, nên đeo khẩu trang hầu như không có tác dụng. Cũng chính vì vậy, trong các đội thợ KCBT không một ai được trang bị những phương tiện bảo vệ cần thiết như: Mắt kính, mũ bảo hộ để phòng bụi, mảnh vật liệu rơi vào mắt, vào đầu… Bản thân những người làm công việc này cũng biết, cũng ý thức về sự nguy hại đến sức khoẻ mà họ đang phải đối mặt. Song với sự chủ quan, “cơm áo gạo tiền” nặng trĩu trên đôi vai mà những người làm nghề này thường mắc phải các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm xoang... Dẫu vậy, họ cũng không có khái niệm bỏ tiền ra mua bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế.

Được “mục sở thị” công việc của những thợ KCBT tôi phần nào đã hiểu và thông cảm trước những vất vả, đánh đổi sức khoẻ vì miếng cơm, manh áo mà họ đã chọn. Trăm thứ nghề chọn một nghề! Và cũng vì mưu sinh, vì tương lai của con em mà họ chọn thứ nghề đánh đu với tử thần này.

Tin tức khác:
Khoan cắt bê tông Nghệ An chuyên nghiệp giá rẻ, nhanh chóng (30/5/2022)
Sức mạnh của khoan cắt bê tông trong xây dựng bạn đã biết? (16/4/2019)
Lời giãi bày tâm sự của người thợ gắn bó máu thịt với nghề khoan cắt bê tông (16/4/2019)
Bắt kịp xu hướng mới trong ngành dịch vụ khoan cắt bê tông (16/4/2019)
Làm thế nào để khoan cắt bê tông an toàn và hiệu quả? (16/4/2019)
Chênh vênh đời thợ khoan cắt bê tông (16/4/2019)
Cái giá của nghề khoan cắt bê tông (16/4/2019)
Dịch vụ khoan cắt bê tông tốt nhất TP Vinh Nghệ An (14/4/2019)

Khoan cắt bê tông tại TP Vinh Nghệ An
Địa chỉ: Hưng Dũng - TP Vinh - Nghệ An
Điện thoại: 0945.334.123
Email: homevinh@gmail.com
Website: http://khoancatbetongnamviet.com

Hôm nay: 32 | Tất cả: 35,131

0945334123

Chat ngay